(Từ một giáo viên thích học sinh mình hạnh phúc hơn là học chăm chỉ. )
1. Thay vì dạy HÃY HỎI:
Thay vì làm chủ buổi học hãy để học trò, con cái chúng ta là người thúc đẩy câu chuyện. Chúng ta (thầy cô, cha mẹ) chỉ nên là người khơi gợi bằng những câu hỏi như: con có thấy nó có gì khác nhau không ?, tại sao nó lại như vậy ?, người ta làm vậy để làm gì ? con thử làm theo quy luật đó vào bài tiếp theo xem có được không ? … Đôi lúc toán đơn giản chỉ là quy luật sắp xếp những viên gạch trong nhà, ngoài phố, trên tường, rồi nâng lên những câu hỏi về kích thước, màu sắc hay chất liệu để con có khả năng quan sát hơn vì hầu hết ở môn toán các con đều than “bí” bỏ cuộc cho rằng bài khó vì các con chưa đọc hết hoặc bỏ sót dữ kiện của đề bài. Nên thay vì chỉ con đáp án chúng ta, hãy dừng lại một nhịp đặt câu hỏi cho con là người tự tìm ra cách giải để chúng có được sự tự tin từ đó phát triển hơn.
Chúng ta hiểu rõ bản thân không thể ghì một con ngựa uống nước chúng ta chỉ có thể làm cho chúng khát nước mà thôi. Thay vì dồn ép kiến thức ta nên cho con chủ động khám phá, hỏi ngược lại.
Dần dà chúng ta sẽ thay những câu hỏi bằng những câu hỏi khác: đố con, cô (ba, mẹ) định hỏi con câu gì? Cần rút ra trách nhiệm ra khỏi việc giảng dạy cũng là một cách giảng dạy.
2. Và LẮNG NGHE: Hãy để con được thoải mái trình bày ý tưởng:
Con có thể dùng bất cứ mọi thứ để trình bày điều mà chúng hiểu được,quan sát được. Từ hình ảnh, tranh vẽ, hình ảnh tưởng tượng, sơ đồ, màu sắc, v.v…
Hãy thoải mái lắng và nghe theo dõi các câu hỏi và nhận xét, cho phép các con thể hiện và giải thích ý tưởng của mình.
Mình đã từng được nghe một ý tưởng như sau:
“Tiếp tuyến là cái roi mẹ quất vào mông con.” Thay vì “Tiếp tuyến của một đường cong tại một điểm bất kỳ thuộc đường cong có nghĩa là một đường thẳng chỉ chạm vào đường cong tại điểm đó.” 

3. Hãy cởi mở với các ý tưởng hay đáp án sai:
Hãy tập trung vào cách mà con tư duy, nếu chỉ tập trung vào đáp án vô tình ta có thể rơi vào thế tư duy hai sai thành đúng mà ta cứ ngỡ con hiểu. Cũng tương tự với đáp án sai nhưng hướng tư duy con mới mẽ thì ta nên chấp nhận thay vì gò ép vào khuôn mẫu (có nhiều bé quan sát rất “dữ dội” bạn ý có thể tìm ra quy luật khác chúng ta nhưng lại cùng 1 đáp án).
Tập trung vào việc cỗ vũ và tiếp động lực cho các con được suy nghĩ các bài đơn giản để hiểu sâu cốt lõi sẽ tốt hơn việc cho con làm các bài nâng cao mãi cho nhớ.
4. Hãy kiên nhẫn :
Việc nghe con trẻ trình bày quả là một sự kiên nhẫn vì chúng có thể dắt bạn từ Tây sang Đông sau đó vòng về Nam Cực rồi mới lên Bắc Cực trong khi ta có thể đi một đường xiên nhưng nếu bạn muốn nghe những câu chuyện hấp dẫn khác về sau hay những ý tưởng hay ho đến buồn cười lộn ruột thì cái giá ban đầu phải trả đó là những sự ngoằn nghèo chưa súc tích trong tư duy.
Kiên nhẫn, kiên nhẫn hãy kiên nhẫn. Đôi lúc nếu việc dạy và học đi đến đỉnh điểm của cảm xúc tức giận và bất lực, hãy cho con chúng ta thời gian chúng cần sắp xếp lại ý tưởng của mình trước sự hối thúc của chúng ta. Chúng ta cũng nên cần không gian và thời gian để hít một chiếc thật sâu.
5. Để chúng muốn học một cái mới:
Đôi lúc chúng sẽ phó mặc môn toán cho chúng ta thay vì tự tìm hiểu chúng như môn hội họa hay thủ công gấp giấy. Vì những môn đấy luôn mới và chúng có thể vui đùa với chúng . Nhưng toán thì sao , khô khan và đầy nước mắt :>
Hãy phân bố một nửa năng lượng vào cách truyền đạt nhưng đừng quên đưa những bài toán vào thực tiễn nhất mọi lúc mọi nơi để con thấy được toán như một môn tập gym giúp não trở nên nhanh nhạy và hiệu quả.
Một lần nữa toán học cũng chỉ là một môn học, nó cần thiết nhưng xin đừng lấy chúng làm nỗi ám ảnh cho việc học của trẻ.
